29/06/2007: Họp Nhóm Hàng Tháng tại nhà anh chị Nguyên-Oanh

Địa điểm: Nhà anh chị Nguyên Oanh
07:30 pm Bài ca mở đầu: Chúa Là Mục Tử CNLT p34
Hồi tâm
07:45 Chia sẻ cảm nghiệm sống đạo Tháng Năm "Tình Mẹ"
08:15 Chia sẻ ý-nghĩ/cảm-nghiệm về "Tình Cha"
09:30 Cầu Nguyện tự phát.
  Bài ca kết thúc: Chúa Dắt Dìu Con CNLT p25
Phúc Âm  
Luca chương 15 · Người Cha đi tìm con bị lạc.
· Người Cha chờ và đón đứa con trai bỏ nhà ra đi.
Gioan 8:1-11 · Người Cha với đứa con gái dâm đãng, lang chạ
Mathêu 6:9-14 · Tương quan Cha con

Bài đọc thêm "Tình Cha"

Gợi ý chia sẻ:

  1. Tình Cha-Con của bạn thế nào: thoải mái, tự nhiên, an bình, tin tưởng, gần gũi, xa cách, sợ sệt?
  2. Kinh nghiệm làm cha (làm mẹ) của bạn giúp bạn cảm nghiệm được gì giữa bạn với Tình-Cha-trên trời?
  3. Kể một kinh-nghiệm để đời nhất của bạn với cha mình. Kinh nghiệm ấy giúp bạn gì trong tương quan với Cha-Trên-Trời?

TÌNH CHA

Nguyễn Mậu Thích

Khi đi ngang qua làng Nam Xương, trước miếu thờ một người thiếu phụ, cảm thương nỗi oan tình, vua Lê Thánh Tôn viết lên một bài thơ:

"Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương..."

Chàng Trương không lưu lại tên chỉ để lại họ, thời buổi loạn ly giã từ người vợ trẻ lên đường chinh chiến trong lúc đó người vợ trẻ đang mang thai.

Ðứa bé chào đời khi người cha vẫn còn ngoài chiến trận. Ðứa bé lớn lên người cha vẫn chưa về. Nỗi buồn thương nhớ chồng theo ngày tháng đong đầy trong lòng người thiếu phụ nhất là trong những chiều mưa sấm sét bão bùng và nhất là khi nghe con thắc mắc hỏi cha con đâu, tại sao những đứa bé khác có cha mà con không có. Thương con, nhớ chồng, đêm đêm người thiếu phụ dỗ dành con bằng cách đốt đèn cho bóng mình soi trên vách nhà và bảo con là cha con đang đến. Nàng di chuyển qua lại để bóng mình di động trên vách hầu cho con nó đùa với bóng mà lòng trẻ thơ vững tin đó là cha và yên lòng vì có cha bên cạnh.

Ngày chàng Trương giã từ vũ khí trở về là ngày khởi đầu thảm kịch. Người chồng trở về lòng hân hoan khi nghĩ tới giây phút sẽ được gặp lại người vợ yêu dấu và đứa con chưa bao giờ gặp mặt. Người vợ hồi hộp đợi chờ những lời thương mến mà từ lâu nàng chưa được nghe. Thế nhưng khi chàng Trương giang tay chờ ôm lấy con mình, đứa bé vội vàng chối từ: "Ông không phải là cha tôi vì cha tôi chiều tối mới tới và lúc nào cũng ngồi cạnh mẹ tôi."

Chàng Trương nghi ngờ vợ bất trung. Không hỏi rõ để tìm hiểu sự tình, chàng mắng chưởi, đoạ đày người vợ bao năm trời trung tín đợi chờ chồng. Quá buồn đau, người vợ đành gieo mình xuống giếng sâu để minh oan cho lòng chung thủy.

Rồi khi bóng đêm ập xuống, khi đứa bé khóc đòi ăn, chàng Trương đốt đèn lên và lúc đó chợt hiểu ra nỗi oan tình của vợ khi đứa bé đến chào và vui đùa với bóng chàng soi trên vách. Chàng Trương chạy tìm vợ chỉ để thấy nàng ra người thiên cổ.

Vua Lê Thánh Tôn có lý và rất nhiều người có lý khi xót thương cho người thiếu phụ trung trinh mà số phận lại quá phũ phàng.

Có ai xót thương đứa bé không? Lời nói đơn sơ ngay tình khiến gia đình em phải nát tan. Ðúng ra em mới là nạn nhân của tấn thảm kịch bi thương này. Có mẹ để rồi mất mẹ. Có cha mà không nhận biết cha chỉ vì chiếc bóng soi trên vách ngăn đường cản lối.

Chuyện người thiếu phụ Nam Xương không thấy nói về sau làm sao cha con nhận được nhau.

Vua Lê Thánh Tôn trách chàng Trương quá phũ phàng. Nhiều người trách chàng Trương nông nổi, không chịu tìm hiểu cội nguồn để gây nên thảm kịch đau thương. Chàng Trương đáng trách, nhưng có một điều không ai phủ nhận được là trong lòng chàng Trương ngoài tình yêu vợ còn tha thiết một tình yêu tha thiết, tình người cha đối với con mình.

Thảm kịch "Người thiếu phụ Nam Xương" khởi đầu bằng khát vọng tình cha nơi em bé. Nếu em bé không đòi cha thì có lẽ nàng thiếu phụ đã không dựng nên hình ảnh một người cha không trung thực vì đó chỉ là chiếc bóng soi trên vách. Khát vọng Tình Cha là nhu cầu không thể thiếu cho trẻ thơ lớn lên bình thường. Tiếc thay khát vọng đó đã bị người thiếu phụ hướng con đi lạc lối.

Nếu khát vọng tình cha nơi trần thế không thể thiếu thì khát vọng Tình Cha Trên Trời càng không thể thiếu để con người hướng cuộc đời về cõi sống mai sau bất diệt.

Trong hành trình tìm Cha của con người nơi trần thế có quá nhiều bóng soi trên vách. Bóng soi trên vách đó có thể là những ý thức hệ bạo lực chuyên chế bóp nghẹt phẩm giá và tự do con người, có thể là tư tưởng bó mình trong cái tôi ích kỷ mà không cần biết đến ai, có thể là một cuộc sống tiêu thụ chạy theo danh vọng và đồng tiền mà ảnh hưởng đang bao trùm thế giới. Những bóng soi trên vách đó đã ngăn đường cản lối không cho con người nhận biết được Cha, trong khi Cha vẫn giang tay chờ con.

Hình ảnh người cha nhân hậu trong dụ ngôn Phúc âm "Người con đi hoang" (Lc 15:11-32) là hình ảnh Thiên Chúa Cha nhân từ luôn luôn mở rộng vòng tay thương yêu. Hình ảnh này chừng như trái ngược với hình ảnh của Giavê Thiên Chúa trong Cựu Ước. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa Cha được diễn tả như một người cha công minh nghiêm khắc thường nghiêm phạt những đứa con ngỗ nghịch hoang đàng hay những đứa cố sai đường lạc lối không biết tìm về để nhận Cha là Ðấng sinh thành tác tạo. "Dân ngoại đạo" hay con cái Israel phản nghịch trong Cựu Ước là những đối tượng bị nghiêm phạt nặng nề.

Tuy nhiên hình ảnh công minh nghiêm khắc của Thiên Chúa không che giấu lòng từ ái vô biên của Ngài. Ðức công bình tuyệt đối không mâu thuẫn với tình yêu tuyệt đối. Không định nghĩa nào chính xác bằng định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu. Bởi yêu thương nên Chúa Cha đã tạo dựng con người. Bởi yêu thương nên Chúa Cha đã sắp đặt chương trình cứu độ ngay khi con người dùng tự do để bất tuân lệnh truyền của Ngài.

Lịch sử con người là lịch sử của quá trình tiến hoá qua các đợt văn minh. Qua dòng lịch sử, Chúa Cha thể hiện lời hứa cứu độ con người sa ngã. Hình ảnh một người Cha nghiêm khắc công minh là cần thiết trong giai đoạn con người còn mơ hồ về tự do, về tự chủ, trong giai đoạn con người còn đấu tranh vất vả với thiên nhiên để mưu tìm cái sống. Trong giai đoạn mà cá nhân con người được tính là tài sản - mấy con bò thì hình ảnh một Thiên Chúa Cha nghiêm minh che khuất một Chúa Cha từ ái.

Hình ảnh người Cha yêu thương được tỏ bày trọn vẹn trên Ðồi Núi Sọ qua việc Chúa Con đổ máu cứu độ loài người. Không một lời nói hành động nào diễn tả đầy đủ hơn tình yêu của Chúa Cha với loài người bằng việc Chúa Con hy sinh trên thập giá.

Việc Thiên Chúa Ngôi Hai giáng sinh để rồi đổ máu trên thập giá đã dung hoà được hình ảnh Chúa Cha nghiêm khắc, công bình tuyệt đối trong Cựu Ước và hình ảnh Chúa Cha muôn đời là Tình Yêu. Loài người phản bội, đáng phạt. Nếu bị nghiêm phạt thì Tình Yêu Chúa bị tổn thương, nhưng nếu được tha thứ mà không tỏ lòng thống hối thì Thiên Chúa đâu còn là Ðấng Công Bằng tuyệt đối. Yêu thương con người Chúa Cha đã cho Con Ngài với phẩm giá vô biên liều mạng sống để rửa sạch muôn tội lỗi đã xúc phạm đến Ðấng Vô Biên hầu con người được quay về vui hưởng tình yêu Chúa.

Tiếc thay tình yêu đó có quá nhiều người phủ nhận chỉ vì họ không biết Chính Ngài Là Cha.

Nguyệt San Đức Mẹ Hàng Cứu Giúp

© 2007-2022, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Metuchen, NJ. All Rights Reserved.